bgware

Học WordPress - Bài 01 - Website WordPress là gì?

WordPress là cái quái gì mà lướt web ở đâu cũng thấy, nào là Facebook, nào là Youtube, quảng cáo google,...Còn sử dụng wordpress làm website nữa chứ. Tìm hiểu nó liền.

Website wordpress là gì?

WordPress là gì?

WordPress là một phần mềm mã nguồn mở, được lập trình bằng ngôn ngữ PHP đi cùng với hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. WordPress được ra đời vào ngày 7 tháng 5 năm 2003 sau quá trình nghiên cứu miệt mài của hai tác giả Mike Little và Matt Mullenweg. Hiện nay có đến hơn 25% các trang web trong top 100 các website lớn trên thế giới sử dụng công cụ WordPress làm phương tiện để thiết kế nên website, và trong các trang web sử dụng CMS (Content Management System) làm nhân cho hệ thống quản trị nội dung thì WordPress chiếm đến hơn 60%.

Website wordpress là gì?

Website wordpress là website được thiết kế bằng phần mềm mã nguồn mở với tên không gì khác là WordPress. Mặc dù là mã nguồn mở (dĩ nhiên sẽ miễn phí) nhưng WordPress trang bị các công cụ thiết kế và quản trị web vô cùng mạnh mẽ và thú vị. Thú vị ở chổ chúng ta có thể tùy biến giao diện trang web nhanh chóng chỉ trong vài nốt nhạc, và thậm chí với WordPress bạn không cần có nhiều kiến thức ở lĩnh vực lập trình máy tính, bạn có thể là một "tay ngang" có chút ít kiến thức về sử dụng máy tính và internet cũng có thể tạo nên các trang web với các tính năng tuyệt vời và vô cùng cuốn hút.

Hiện trạng Wordpress trên thế giới

Từ năm 2003 đến nay, hàng triệu trang web trên toàn thế giới đã và đang sử dụng WordPress như một công cụ hiệu quả cho việc thiết kế và quản lý nội dung. Và chắc chắn, các con số về số lượng người sử dụng cũng như những giá trị từ các trang web WordPress tạo ra sẽ không dừng lại và càng tăng theo thời gian. Chúng ta cùng điểm qua các con số ấn tượng mà công cụ làm web WordPress mang lại:

  • Mỗi giây trung bình có hơn 30 trang nội dung (bài viết) được đăng trên toàn thế giới.
  • Tỷ trọng WordPress so với các công cụ làm web khác là khoảng hơn 25%
  • WordPress chiếm hơn 60% trong các website sử dụng mã nguồn quản trị nội dung CMS
  • WordPress 4.0 ra đời ngày 4 tháng 9 năm 2014 đạt mức 16 triệu lượt download chỉ trong hơn 2 tháng
  • Tính đến thời điểm hiện tại tháng 10 năm 2016, WordPress đã hỗ trợ ngôn ngữ cho 137 quốc gia. Trong đó có 68 quốc gia được mã hóa ngôn ngữ 100%, riêng ngôn ngữ tiếng Việt hiện tại đã chuyển ngữ 99%.
  • Gần 800 lập trình viên cùng đồng hành nghiên cứu và phát triển WordPress
  • Hiện tại kho giao diện mẫu của wordpress đã lên đến gần 240.000 themes.
  • Và còn rất nhiều điểm nổi trội của WordPress đang chờ bạn khám phá.

Website wordpress có điểm mạnh gì?

Sau một hồi dạo quanh các trang mạng lớn trên thế giới nói về WordPress, bạn đã thấy thực sự choáng ngợp hay thích thú với WordPress chưa? Tôi thì đã mê tít nó rồi...Và bây giờ, để trả lời cho câu hỏi WordPress có những điểm mạnh gì mà thế giới trở nên bị cuốn hút bởi nó, dồn về nó và khiến nó dần trở nên to lớn hơn bao giờ hết trong các hệ thống quản trị nội dung, chúng ta hãy phân tích các điểm nổi trội của WordPress:

Rất dễ sử dụng

Với các công cụ quản lý trực quan thông qua giao diện đồ họa theo dạng bảng, khiến người dùng trở nên rất thoải mái trong việc sử dụng. Chỉ cần tương tác bằng cách bấm chuột vào các nút chức năng được thể hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu là người dùng có thể thực hiện được mong muốn của mình. Việc thay đổi giao diện hoặc chỉnh sửa giao diện, tạo bài viết, đăng ảnh, video được thực hiện rất dễ dàng thông qua các nút điều khiển.

Giao diện quản trị WordPress

Phù hợp cho nhiều đối tượng

WordPress được lập trình hướng đối tượng công chúng. Cho nên, cho dù bạn là một nhà lập trình tài ba hay một tay ngang biết chút ít về máy tính, bạn đều có thể tự mình cài đặt một trang web bằng wordpress hết sức nhanh chóng và đương nhiên sẽ dễ dàng thỏa mãn được mong muốn cho bạn. Học sinh có thể làm web cá nhân, giáo viên có thể làm trang web giảng dạy hay một công ty, cơ quan đều có thể tự làm trang web cho mình với công cụ WordPress.

Cộng đồng sử dụng và hỗ trợ đông đảo

Đương nhiên rồi, WordPress được số đông người sử dụng sẽ dẫn đến việc càng nhiều người tìm hiểu và biết nhiều hơn cũng như thành thạo hơn về WordPress. Và khi bạn có những khó khăn, hay thắc mắc về chuyên môn sẽ có một cộng đồng hỗ trợ bạn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Điều này giống như bạn mua một chiếc điện thoại có thương hiệu phổ biến, hễ có trục trặc gì thì các hệ thống sửa chữa từ các cửa hàng sẵn sàng phục vụ bạn. Và sẽ vô cùng khó khăn nếu bạn dùng một sản phẩm từ một thương hiệu "lạ hoắc" hoặc ít ai xài, thì khi "hư" thì chẳng biết nhờ ai mà sửa.

Hiện tại có rất nhiều trang web, từ cá nhân đến tổ chức đều có kênh chuyên viết về web WordPress và có cả các kênh hỗ trợ trực tuyến. Hoclamwebsite.vn là một ví dụ, hàng sáng thứ 7 hàng tuần trang web sẽ thiết lập một kênh trò chuyện trực tuyến trên website để trao đổi, thảo luận và hỗ trợ các bạn mới tìm hiểu về WordPress cũng như có các ý định dùng WordPress để thiết kế trang web riêng cho mình phục vụ cho việc học tập, kinh doanh hoặc quảng bá thương hiệu.

Giao diện mẫu miễn phí vô cùng phong phú

Bạn hãy thử kiểm tra số lượng giao diện mẫu của WordPress chứa trên trang WordPress.org bằng cách gõ vào trình duyệt với link: "site:https://wordpress.org/themes/". Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với số lượng mẫu giao diện (theme) vô cùng lớn. Và chắc chắn con số này sẽ ngày càng tăng theo thời gian. Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng rằng các trang này hoàn toàn là miễn phí. Đúng là miễn phí thật nhưng đại đa số các trang web sẽ dấu đi một số tính năng cao cấp và chỉ khi bạn bỏ ra một số tiền thì các tính năng cao cấp ấy sẽ về với "đội hình" của bạn. Nhưng thật sự, với nhận định của cá nhân, tôi thấy rằng lượng giao diện miễn phí này cũng đủ làm mệt mỏi cho các bạn trong việc chọn lựa một mẫu ưng ý vì chúng quá nhiều, quá đẹp và tiện dụng với nhiều tính năng. Đôi lúc việc xài "free" cũng đã quá đủ.

Nếu bạn đang thắc mắc làm thế nào để cài đặt các theme mẫu WordPress này về trang web của mình thì đừng lo lắng, hãy kiên nhẫn thêm chút nữa. Chỉ trong loạt bài hướng dẫn học WordPress này, chúng ta sẽ được biết mọi thứ để có thể tự tay làm nên một rừng trang web muôn màu và hữu dụng.

Một kho Plugin hỗ trợ "khủng"

Plugin là cái quái gì? Xin phép các anh em Pro trong lĩnh vực web, tôi xin chia sẻ cho các bạn chưa biết nhiều về web một ít thông tin để các bạn nắm được và đồng hành cùng chúng ta dễ dàng hơn trên con đường chinh phục công việc tạo website WordPress. Plugin là các ứng dụng bổ trợ cho các phần mềm chính. Ví dụ, ta đã định nghĩa WordPress là một phần mềm, tuy nhiên, ngay sau khi cài đặt nó xong, bạn chưa thể giới thiệu với mọi người vào trang web của bạn vì lúc này, nó chưa có gì để người khác "chiêm ngưỡng". Và do đó, bạn phải tìm cách làm cho trang web của mình trở nên đẹp hơn, và có nhiều chức năng hơn. Bạn sẽ cài đặt giao diện (theme) cho nó đẹp hơn và cài các Plguin để có nhiều chức năng trên web của mình hơn. Đương nhiên là bạn có thể làm điều này bằng cách tự lập trình (viết code) hoặc dùng Plugin. Plugin cùng với theme mẫu được người dùng WordPress biết lập trình, họ đã tạo ra các mẫu, đóng gói và upload lên cộng đồng cho chúng ta xài. Và dĩ nhiên, có thể miễn phí hoàn toàn hoặc được bán với một giá tiền nào đó.

Plugin WordPress


Một cộng đồng mạng sử dụng WordPress đang ngày gia tăng, đồng nghĩa với các Plugin hỗ trợ người dùng cũng gia tăng theo. Bạn có thể tự do chọn lựa các Plugin để cài đặt vào trang web của mình và làm cho nó hấp dẫn vô cùng trong mắt người dùng. Các tính năng đổi giao diện, đăng nhập, bán hàng, xem video,.....và hàng trăm ngàn tính năng khác đang chờ chúng ta cùng khám phá. Đồng hành với loạt bài học này, bạn sẽ biết hết các điều đó.

Một mã nguồn mở dễ dàng và tự do trong việc phát triển trang web

Các phần mềm được viết bằng mã nguồn mở, không riêng gì WordPress đều có đặc điểm giống nhau, đó chính là khả năng phát triển rất dễ dàng với các lập trình viên. Nếu bạn là người biết về các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và PHP thì sẽ rất dễ tương tác với mã nguồn bên trong của WordPress và qua đó, tài năng lập trình của bạn sẽ được khẳng định. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra một giao diện hay các chức năng tương tác trên website của mình mà không hề phụ thuộc và các template hay các Plugin có sẵn. Điều này đã và đang như là một xu hướng của các lập trình viên. Họ tận dụng những cái có sẵn và phát triển trên nền tảng số đông này và tạo nên các sản phẩm tuyệt vời cho riêng họ hoặc cho khách hàng của chính họ. Ngoài ra, các lập trình viên còn có thể viết các giao diện và các Plugin, upload lên cộng đồng sử dụng WordPress như là một món quà, và dĩ nhiên họ có thể bán nó.

Chính nhờ điều đó việc phát triển trang web trở nên đơn giản hơn rất nhiều vì các plugin có sẵn, bạn có thể build một plugin bán hàng cho một thiết kế website du lịch hay thậm chí một thiết kế website bất động sản chuyên nghiệp, và điều đó không khó nếu bạn kiên nhẫn tìm hiểu.

Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ

Đối với những người hạn chế về mặt ngoại ngữ, việc sử dụng WordPress với các phiên bản tiếng Anh có vẻ hơi hạn chế. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, WordPress đã hỗ trợ hơn 137 ngôn ngữ. Trong đó tiếng Việt được chuyển ngữ đến 99%. Quả là một điều tuyệt vời, trong khi chúng ta phải căng mắt và dán nát công cụ từ điển Google Translate với các phần mềm làm web khác.

Đa dạng Web cho nhiều lĩnh vực

Bạn hãy đến với trang https://wordpress.org/themes/, một kho giao diện khủng với nhiều chủng loại website tương ứng với các ngành nghề, qua đó bạn tha hồ mà lựa chọn các mẫu website thuộc lĩnh vực của mình. Các lĩnh vực WordPress cung cấp các giao diện mẫu phong phú như:

  • Blog: Viết trang tin, nhật ký điện tử, trang thông tin
  • E-Commerce: Thương mại điện tử
  • Education: Giáo dục
  • Entertainment: Giải trí
  • Food & Drink: Thực phẩm và đồ uống
  • Holiday: Các dạng web lễ hội, nghỉ dưỡng
  • News: Trang web tin tức
  • Photography: Đồ họa, nhiếp ảnh
  • Portfolio: Các trang web Profile cá nhân/ doanh nghiệp

Ứng dụng của các website wordpress

Làm web quảng bá sản phẩm/ thương hiệu

Như đã phân tích ở trên, bạn có thể hoạt động ở bất cứ lĩnh vực nào và tận dụng WordPress như là một công cụ cho việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu của mình. Các sản phẩm, dịch vụ đi song hành cùng thương hiệu sẽ được trình bày trên website thông qua những dòng chữ, các hình ảnh, các video hay những đoạn âm thanh. Người dùng thông qua internet sẽ "ghé thăm" trang web của bạn và qua đó sẽ biết đến các thông điệp mà bạn muốn chia sẻ. 

Làm trang web cá nhân

Hiện tại, trào lưu sử dụng các mạng xã hội đang lấn át các hình thức web cá nhân. Tuy nhiên, một người yêu thích web có thể tự tay thiết kế cho mình một hay nhiều các website phục vụ mục đích cá nhân. Một trang nhật ký điện tử online, một trang chỉa sẻ cảm nhận hay bất cứ một điều gì đó. Hãy phân tích kỹ bạn sẽ thấy rõ ưu nhược điểm của việc dùng mạng xã hội so với sở hữu một website. Mạng xã hội mạnh mẽ ơn tính lan truyền còn trang web do bạn sở hữu thì đó là của bạn không phải của các ông chủ kia. Còn nhiều yếu tố so sánh khác nhưng đó không phải là điều mà ta quan tâm trong loạt bài này.

Làm trang web phục vụ mục đích SEO các trang web khác

Chắc hẳn các bạn đã nghe về SEO và biết về SEO? Điểm lại một số kiến thức cơ bạn các bạn nhé. SEO là viết tắt của chữ Search Engine Optimization, hiểu theo nghĩa tiếng Việt là tối ưu hóa trên các công cụ tìm kiếm. Khi bạn gõ một số từ vào trình duyệt tìm kiếm (từ khóa), thì trang chủ tìm kiếm sẽ trả về cho bạn một trang các danh sách các kết quả. Trong đó những dòng đầu tiên ở trên đầu thông thường là kết quả của những nhà quảng cáo. Họ trả tiền cho các ông chủ của các công cụ tìm kiếm để các công cụ tìm kiếm này đưa kết quả của họ lên vị trí cao. Tuy nhiên, SEO là hoạt động làm tốt ưu hóa nội dung với các công cụ tìm kiếm, các hoạt động thực hiện không phải trả phí cho các công cụ tìm kiếm mà khi kết quả trả về sẽ xuất hiện họ ở vị trí cao trong bảng - điều đó chứng tỏ trang web đã được SEO hiệu quả. Còn với các trang web SEO không hiệu quả thì sao, thì không ai tìm ra chứ sao. Bạn dùng một từ khóa, gõ vào trình duyệt Google, lăn chuột mãi đến cuối trang không thấy trang của bạn ở đâu, kích chuột sang trang 2, trang 3, đến trang 408 (hết 8 cục pin) mới thấy trang của bạn xuất hiện. Điều này có nghĩa là bạn SEO "chưa được giỏi".

Trên là một số thông tin ban đầu về thuật ngữ SEO. Trong kỹ thuật và nghệ thuật SEO, có một kỹ thuật mà dân SEO thường hay áp dụng là làm các trang Web vệ tinh, đó là hệ thống các trang web có nội dung liên quan đến trang web chính được tạo ra hàng loạt và hoạt động liên tục, sau đó sẽ dẫn liên kết giới thiệu về trang web chính, để làm trang web chính tăng thứ hạng cao hơn trong bảng kết quả tìm kiếm. Ví dụ, bạn có một trang web bán mỹ phẩm, bạn xây dựng một số trang web vệ tinh viết về lợi ích của việc có làn da đẹp, bí quyết làm da trắng, cách tẩy lông hiệu quả, kiến thức sử dụng thuốc làm đẹp an toàn,....người dùng vào các trang web vệ tinh của bạn, và qua đó họ sẽ đến trang web chính giới thiệu các sản phẩm mà bạn đang bán thông qua các liên kết mà bạn đặt trên các trang vệ tinh. Web vệ tinh càng nhiều, càng uy tín, càng nhiều người ra vào thì cơ hội trang chính của bạn càng uy tín, càng nhiều người biết đến là rất cao, qua đó tăng khả năng bán được nhiều hàng hóa hơn. 

Làm web vệ tinh bằng WordPress


Đó là ví dụ về website vệ tinh. Như vậy, công cụ WordPress giúp ích được gì cho việc thiết lập các trang web vệ tinh? Nhiều lắm đấy. Bạn hãy xem lại các điểm mạnh của Website WordPress như ta đã phân tích ở trên, việc dễ dàng cài đặt, dễ sử dụng, phù hợp nhiều đối tượng, kho giao diện và Plugin khủng,...đã làm cho việc tạo ra các website vô cùng nhanh chóng và thuận tiện. Ban đầu có thể hơi chậm, nhưng một khi đã "trơn tru", thì bạn có thể tạo ra cả chục trang web chỉ trong một ngày thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, ta phải định hướng kỹ và thật sự nghiêm túc trong việc tạo dựng các trang web vệ tinh này từ nội dung đến hình thức, vì hàng ngày các hệ thống tìm kiếm liên tục cập nhật các thuật toán, giúp nó dễ dàng phát hiện trang web vệ tinh của bạn có phải là web "rác" hay không. Thử hỏi, một ông chuyên gia nói dối, giới thiệu một ông khác và nói rằng ông này rất uy tín, bạn có tin hay không?

Cấu trúc cơ bản web wordpress

Có nhiều cách để nói về vấn đề này, nhưng để đơn giản nhất và có ích nhất đối với chúng ta trên con đường chinh phục website WordPress do chính tay bạn tạo nên. Chúng ta sẽ tìm hiểu cấu trúc website WordPress một cách ngắn gọn nhưng hữu dụng. Tương tự như các website được thiết kế bằng các công cụ lập trình khác như Joomla, Drupal, NukeViet, PHP-Nuke,...một website WordPress được cấu thành bởi 2 thành tố căn bản nhất là Tên miền (Domain), Lưu trữ dữ liệu (Hosting).

Tên miền (Domain)

Tên miền là địa chỉ của trang web, là nơi để đánh dấu điểm riêng biệt trang web của bạn với các website khác, không có một tên miền nào được trùng lập trên thế giới.

Lưu trữ dữ liệu (Hosting)

Hosting là nơi lưu trữ các dữ liệu trên trang web của bạn, kể cả phần mềm WordPress cũng được cài đặt trên này. Các dữ liệu khác như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video,...được lưu trữ ở hosting và thông qua giao diện web, người dùng được xem, nghe các dữ liệu của bạn.

Tìm hiểu bài sau:

Trong bài kế tiếp (Học WordPress - Bài 02 - Làm sao để có một website bằng WordPress) chúng ta sẽ tìm hiểu về sâu hơn 2 yếu tố này và sẽ biết được làm thế nào để có được một website WordPress, cũng như từ đó có thể hoàn toàn tự chủ trong việc tạo ra một trang web bất kỳ phục vụ mọi mục tiêu của chính chúng ta. Và hãy luôn nhớ rằng, dù bạn là người chuyên nghiệp trong việc lập trình hay bạn chỉ mới biết "rê chuột" thì chúng ta đều hoàn toàn có thể tạo ra một ngôi nhà trên mạng thật rực rỡ và hoành tráng. Hãy đi xuyên suốt loạt bài Thiết Kế Web Bằng WordPress, bạn sẽ làm được tất cả.
Có: 10/2 đã cho sao
tiếc gì 1 click để cho sao

Bạn đã xem chưa?

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

XOVI NOW SEO là một công cụ SEO toàn diện, cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa website và tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Website là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh trực tuyến của bất kỳ doanh nghiệp nào. Chăm sóc website là một trong những công việc quan trọng để đảm bảo website hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, việc có một địa chỉ email chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đầu tư một số tiền lớn để có một dịch vụ email chất lượng.

Quay lại trang Blog
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây